Trước đó, tháng 2/2017, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa và Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Beketzhan Zhumakhanov, Tổng công ty Đường sắt VN và Đường sắt quốc gia Kazakhstan cũng ký thỏa thuận hợp tác tương tự.
Cơ hội lớn của đường sắt
Tuyến vận tải đường sắt từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc, Kazakhstan đi Nga, các nước Trung Á và châu Âu được ví là “con đường tơ lụa” vì tiềm năng phát triển rất lớn. Tại những buổi làm việc gần đây với Bộ GTVT nhằm kết nối và hình thành tuyến liên vận này, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Beketzhan Zhumakhanov cho rằng, Kazakhstan là cửa ngõ kết nối Việt Nam, Trung Quốc với Trung Á và châu Âu. Hiệp định Thương mại tự do EAEU - Việt Nam có hiệu lực từ tháng 10/2016, mở ra cơ hội cho kinh doanh vận tải, trong đó có đường sắt khi hàng hóa lưu thông giữa các nước tăng cao.
“Đường sắt có thể vận tải khối lượng lớn, đi xa và độ an toàn hàng hóa, an toàn hành xa vượt trội trong vận chuyển hàng liên vận quốc tế. Cùng đó, với phương thức vận tải container tiên tiến, thời gian chỉ từ 18-20 ngày so với 40-45 ngày nếu đi bằng đường biển sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn”, Đại sứ Kazakhstan phân tích.
Thông tin rõ hơn về tiềm năng tuyến liên vận này, ông Tăng Văn Dũng, Phó trưởng ban HTQT-KHCN Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, việc Việt Nam tham gia Liên minh thuế quan Âu - Á với 90 hạn ngạch - 90 mặt hàng được giảm thuế là cơ hội lớn. Vì khi đó, với chính sách “một hành lang, một con đường”, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp dọc tuyến vận chuyển bằng đường sắt, Trung Quốc sẽ có cơ chế giá uyển chuyển hơn, thu hút nhiều mặt hàng hơn. Còn tại Kazakhstan, đường sắt tồn tại nhờ hàng quá cảnh nên chính sách giá cước quá cảnh rất ưu đãi, cước đường sắt chỉ bằng 40% so với các nước khác. Ví dụ, giá cước chỉ 0,35 USD/container 40 feet/km. Trong khi đó, ở châu Âu là 1,27 USD, đường sắt Nga là 0,97 USD, đường sắt Trung Quốc là 0,9 USD.
“Tuyến liên vận này thành công hay không phụ thuộc vào giá cước và thời gian chuyên chở. Thời gian chuyên chở chỉ bằng 1/2 hoặc 2/3 các phương tiện vận tải khác. Nay nếu cả thuế và cước giảm, chắc chắn sẽ thu hút khách hàng”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, hiện Việt Nam đang có các mặt hàng như: Chè khô, dưa chuột muối xuất đi các nước Trung Á bằng đường sắt. Với giá cước 2 USD/kg, một container 16 tấn chè có cước 32 nghìn USD; 20-25 nghìn USD/container feet dưa chuột muối, đường sắt đã duy trì chuyên chở mặt hàng này nhiều năm nay đến các nước Trung Á. Vì thế, nếu vận chuyển bất kỳ hàng hóa đông lạnh nào mà cước chỉ khoảng 100.000 USD/container, chắc chắn sẽ thu hút được hàng đi đến tận Liên minh châu Âu vì không phải lưu kho, bãi…
Theo số liệu của đường sắt Nga, năm 2016 Nga xuất sang Việt Nam 5.508 nghìn tấn hàng và nhập từ Việt Nam 326 nghìn tấn hàng. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam đã được chuyên chở và quá cảnh bằng đường sắt trên lãnh thổ Nga là 1.069 tấn và quá cảnh là 169 nghìn tấn. Khối lượng hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Nga là 29 nghìn tấn và quá cảnh Nga đi bằng đường sắt trên lãnh thổ Nga là 770 tấn. Nếu có chính sách giá cước cạnh tranh và dịch vụ logistics tốt sẽ tăng được khối lượng vận chuyển hơn nữa.
Cần chính sách giá ưu đãi để hút khách
Để nhanh chóng kết nối, đưa tuyến này vào khai thác, theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Phan Quốc Anh, hiện đường sắt Việt Nam đang tổ chức hội nghị ba bên đường sắt Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan, có sự tham gia của đường sắt Nga để thống nhất các giải pháp kĩ thuật kết nối, thông tin, giá cước, biểu phí dịch vụ, từ đó đưa ra sản phẩm chung để công bố đến các khách hàng.
“Chúng tôi đang đàm phán để các bên cùng giảm cước, đặc biệt là cước quá cảnh qua Trung Quốc, để có thể cạnh tranh với đường biển”, ông Quốc Anh nói và cho biết, vấn đề hiện nay là phải có nguồn hàng để bảo đảm tuyến vận hành thường xuyên. Đường sắt Việt Nam cũng đang tích cực tìm các nguồn hàng như phụ tùng ô tô, hàng điện tử, hàng thực phẩm tươi sống…
Chiều ngược lại, ông Kanat Alpysbaev, Chủ tịch Đường sắt quốc gia Kazakhstan cho biết: “Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ đường sắt, doanh nghiệp Việt Nam như: Cung cấp kho, bãi tại Kazakhstan, phối hợp tìm khách hàng, đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam để bán, vận chuyển hàng hóa sang Kazakhstan cũng như qua Kazakhstan đi các nước khác”.
Tuy nhiên, bên cạnh chính sách giá, hiện đường sắt VN còn những khó khăn về năng lực, thiết bị. Ông Quốc Anh cho biết, đường sắt Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực trong thực hiện vận chuyển logistics, thiếu container để vận chuyển liên vận. Về hạ tầng, hàng liên vận theo tuyến này có thể đi từ nội địa Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc theo 2 hướng: Yên Viên - Đồng Đăng và sang Bằng Tường; Yên Viên - Lào Cai sang Hà Khẩu. Tuy nhiên, do chưa được kết nối về khổ đường nên toa xe từ Việt Nam chạy khổ 1.000mm sang đến Trung Quốc phải sang toa để chạy khổ 1.435mm. Về lâu dài, khi lượng hàng tăng cao mà năng lực hạ tầng tới hạn sẽ rất khó khăn để tăng sản lượng vận chuyển.
Được biết, Bộ GTVT đang khảo sát, lập dự án xây dựng đường lồng từ ga Lào Cai, qua cầu Hồ Kiều để kết nối với khổ đường 1.435mm đường sắt Trung Quốc. Đồng thời, đang kêu gọi đầu tư giai đoạn 2 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai. Khi đó, “con đường tơ lụa” mới thực sự kết nối, tăng năng lực, rút ngắn thời gian vận chuyển, khai thác hiệu quả vận tải hàng hóa trên tuyến.